Đây là bài viết của tin nổi bật
Ngày 17/4, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp cùng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Diễn đàn chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa với chủ đề: “Tiếp cận vốn – Khơi thông điểm nghẽn”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân (IPSC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Tham gia Diễn đàn có TS Tô Hoài Nam – Thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQP pháp luật, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME; bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); đại diện Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và hơn 100 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành miền Trung.
Diễn đàn lần này xoay quanh đến vấn đề “Tiếp cận vốn – Khơi thông điểm nghẽn” đưa ra giải pháp tháo liên quan đến chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn để ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tăng trưởng tín dụng quý III và IV/2023 có tín hiệu phục hồi, tuy nhiên sang 2 tháng đầu năm 2024 thì thậm chí ở mức âm. Đến tháng 3/2024 có tăng lên một chút, hơn 2%, nhưng thực tế vẫn chưa phản ảnh được nhu cầu vốn cũng như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN).
Theo bà Trịnh Thị Hương, nguồn vốn (được coi là mạch máu của DN) đang bị nghẽn lại, thiếu vốn, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chính phủ đã đưa ra một số gói tài chính hỗ trợ lãi suất cho DN, nhưng trên thực tế triển khai cho thấy DN còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tiếp cận các gói này.
Phát biểu dẫn đề, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME, đã cảm ơn Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã quan tâm và tài trợ để VINASME tổ chức Diễn đàn mang giá trị đến với cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chia sẻ về ý nghĩa của Diễn đàn, TS. Tô Hoài Nam cho biết Diễn đàn lần này sẻ giúp cho doanh nghiệp dần tiếp cận đến các tiêu chí đánh giá và xếp hạng tín nhiệm do Trung ương Hội đưa ra. Từ đó, doanh nghiệp nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình để hoàn thiện, cải tiến quy trình nhằm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dễ tiếp cận đến các quỹ tín dụng.
Có thể thấy, DNNVV là một trong những đối tượng được ưu tiên cấp tín dụng và được triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, kết quả tín dụng đối với DNNVV thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Vì vậy, những vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đòi hỏi phải tiếp tục có các giải pháp để tháo gỡ kịp thời.
Theo Ths. Trần Văn Hiển – Chuyên gia tư vấn dự án, cho biết, hiện cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 98%, thu hút hơn 5,6 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm.
Theo khảo sát trên hệ thống đối với hơn 100 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn thì 69% nguồn vốn của DN chủ yếu là của chủ doanh nghiệp, 20% nguồn vốn của DN là đi vay và 85,1 % DN có mong muốn tiếp cận nguồn tín dụng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều DNNVV hiện nay vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, tỷ lệ DNNVV tiếp cận nguồn tài chính chính thống hiện nay còn thấp. các DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm khoảng 25%, còn đến 75% vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50-60%.
Ông Hiển nêu lên 6 giải pháp tăng cường bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Đó là đơn giản hoá thủ tục, nới rộng phạm vi, lĩnh vực đối với DNNVV được tiếp cận nguồn vốn; nâng cao năng lực đánh giá dự án có khả thi bảo đảm an toàn vốn, giảm thiểu trách nhiệm người chịu trách nhiệm cao nhất của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Nâng cao năng lực cho các DNNVV, cán bộ Quỹ thông qua các khóa tập huấn.
“Đối với các ngân hàng thương mại, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng, minh bạch nhằm căn cứ trong việc xét duyệt doanh nghiệp vay vốn”, ông Hiển nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Công ty Bizciti Việt Nam có kiện nghị: tại Điều 16 Nghị định 34 về Điều kiện để được cấp Bảo lãnh tín dụng chưa rõ ràng gây khó hiểu cho DN khi điều kiện thứ năm ràng buộc bởi quy định tại Điều 25 của Nghị định. Dẫn đến việc DN không biết được việc tiếp cận vốn có cần tài sản đảm bảo hay không. Vì vậy, Chính phủ cần chỉnh sửa điều khoản trên để DN dễ hiểu hơn.
Tại diễn đàn, đại diện BIDV, Ths. Nguyễn Thị Kim Phượng – Phó Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp cho biết: BIDV đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VINASME nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp là hội viên của VINASME tiếp cận gói ưu đãi của BIDV, ngoài ra BIDV đã phối hợp với VINASME một số hội thảo nhằm nâng cao năng lực cho các DN tiếp cận vốn vay và sử dụng vốn vay có hiệu quả. Cũng tại diễn đàn lần này, bà Nguyễn Thị Kim Phượng đã trình bày các giải pháp hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Diễn đàn cũng dành nhiều thời gian cho các DN thảo luận với Quỹ Phát triển DNNVV, các ngân hàng thương mại về các khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn; các khó khăn về chính sách, quy định; các khó khăn về năng lực tiếp cận và hấp thụ vốn của DNNVV.
Đại diện doanh nghiệp Quảng Ngãi tham gia phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Đức Dũng – Giám đốc Công ty CP Phân hữu cơ Humit Quảng Ngãi cho biết; vừa qua ông được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc hiện đại sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh công nghệ cao, có công suất 20.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về phân bón hữu cơ của người dân tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tuy nhiên, muốn mở rộng sản xuất thì cần thêm vốn nhưng những năm qua DN ông vẫn chưa tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất.
Thông qua tham gia diễn đàn lần này ông Trần Đức Dũng được Quỹ Phát triển DNNVV, Ngân hàng BIDV đã cử đầu mối để hỗ trợ nhằm tiếp cận vay gói ưu đãi.
Trọng Tâm (DN&HN)