Đây là bài viết của tin nổi bật
– Theo TS Nguyễn Minh Phong, Nghị quyết 41 tạo động lực rất lớn cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp – những tài sản quý hơn các mỏ vàng mỏ bạc, càng khai thác càng tạo nguồn lợi cho đất nước.
Thế giới ngày càng có nhiều biến động toàn diện và nhanh chóng, phức tạp và khó lường đặt ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ mới cho phát triển đất nước và đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt gắn với nhiều hạn chế, khó khăn khách quan và chủ quan, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (dưới đây viết tắt là Nghị quyết 41).
Nghị quyết này thay cho Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã có nhiều nội dung và thông điệp mới mang tính đột phá về quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thể chế có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển mang tầm vóc, quy mô và vị thế mới của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, với những điểm nhấn nổi bật sau:
Khẳng định vị thế và đề cao vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam
Nghị quyết 41 khẳng định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến, tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, Nghị quyết 41 cũng nhấn mạnh yêu cầu mở rộng và nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.
Nhận diện đầy đủ và đặt yêu cầu mục tiêu cao về chất lượng phát triển đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam
Nghị quyết 41 đã thể hiện đầy đủ, cụ thể và minh bạch không chỉ tầm quan trọng, mà còn cả yêu cầu về lượng và chất của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới theo tinh thần Đại hội XIII.
Theo đó, Nghị quyết 41 xác định rõ mục tiêu tổng quát: Phát triển, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật để đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Mục tiêu đến năm 2030: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết 41 cũng đòi hỏi đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, yêu cầu kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới…
Hơn nữa, Nghị quyết 41 còn đặt yêu cầu cao về xây dựng đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt ngày càng rắn chắc và gắn kết hơn trên cơ sở củng cố sự đoàn kết, liên kết và hợp tác chặt chẽ với nhau và với các lực lượng, giai tầng xã hội khác trong và ngoài nước, để phát huy sức mạnh cộng đồng đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển và an ninh chung của đất nước.
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và đồng bộ giải pháp tạo môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện và phục vụ thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến
Để mở rộng không gian và tạo động lực mới phát triển cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết 41 đòi hỏi các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế…
Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh, phát triển đồng bộ các loại thị trường. Nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng;
Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp;
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;
Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan. Nghiên cứu, ban hành chính sách động viên, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước;
Cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước; mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý Nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội;
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 41 cũng coi trọng công tác đào tạo doanh nhân, yêu cầu các cơ quan chức năng ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương, gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới; xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, khuyến khích doanh nhân ở tất cả các thành phần kinh tế tham gia; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới.
Đồng thời, Nghị quyết 41 khuyến khích doanh nhân thành đạt tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm. Đa dạng hóa các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực cho doanh nhân, doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân
Nghị quyết 41 yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và phương thức quản lý nhà nước trong các loại hình doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên phù hợp với loại hình, địa bàn, tính chất, quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Nhà nước nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện doanh nhân tham gia cung cấp một số dịch vụ công phù hợp;
Chú trọng quan hệ Nhà nước – doanh nghiệp – người lao động; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hình thức đa dạng, các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp;
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, hạn chế tối đa tranh chấp lao động; củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
Phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ chức của đội ngũ trí thức, nông dân trong liên kết, hợp tác, góp phần xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Phân công rõ trách nhiệm triển khai Nghị quyết và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về doanh nhân
Nghị quyết 41 yêu cầu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 41;
Tăng cường kiểm tra, đánh giá, định kỳ sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết 41 theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 41.
Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết 41…
Đồng thời, Nghị quyết 41 đòi hỏi đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao và thống nhất nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và tăng cường vai trò báo chí trong tổ chức quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 41.
Nghị quyết 41 là một trụ mốc mới đánh dấu sự phát triển nhận thức, sự cầu thị, đổi mới, quyết tâm và dũng cảm chính trị của Đảng về doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam.
Nghị quyết 41 đã đáp ứng đúng mong đợi của giới doanh nhân và thực tiễn xã hội, được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nồng nhiệt đón mừng, tin tưởng và được kỳ vọng sẽ định hướng vững chắc, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo động lực mới, vị thế mới để mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ mới cả về lượng và chất của cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.